Rèn luyện con bạn theo phương pháp thông minh và lành mạnh

Xây dựng kỷ luật tích cực để trẻ em lớn lên hạnh phúc, khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.

Sẽ luôn có một thời điểm mà phụ huynh nào cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng kỷ luật cho con mình. Dù con bạn là một em bé đang quấy khóc hay một thiếu niên dễ tức giận, bạn sẽ đều gặp thử thách trong việc kiểm soát cảm xúc của mình. Trong những tình huống không mong muốn kiểu này, việc lên giọng hay sử dụng vũ lực đều không có hiệu quả.

Tuy nhiên, may mắn thay là chúng ta có những cách xử lý tình huống hiệu quả hơn, và một trong những giải pháp này là xây dựng kỷ luật tích cực. Chúng tôi đã thảo luận với Lucie Cluver – giáo sư chuyên ngành Công tác Xã hội về Trẻ em và Gia đình, và cũng là một người mẹ với hai đứa con trai nhỏ – về vấn đề này. Theo cô, phương pháp này không chỉ giúp bố mẹ xây dựng được quan hệ tích cực với con cái mà còn dạy được trẻ em những kĩ năng quan trọng như việc hợp tác, duy trì kỷ luật cá nhân và có trách nhiệm với bản thân mình. 

Không có trẻ em xấu, chỉ có những hành vi xấu

Tại sao lại áp dụng phương pháp xây dựng kỷ luật tích cực? 

“Không bố mẹ nào muốn đánh hoặc lên giọng với con cái họ. Chúng ta làm vậy bởi vì chúng ta bị căng thẳng và không nhìn ra được một phương án nào khác,” giáo sư Cluver giải thích. 

Đã có bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh rằng việc đánh mắng trẻ em hoàn toàn không có tác dụng, và có thể để lại hậu quả xấu về sau. Lặp lại những hành vi bạo lực này tậm chí có thể ảnh hưởng tồi tệ đến cả cuộc đời của một đứa trẻ sau này. Bạo lực trẻ em gây ra những áp lực độc hại và dẫn tới những hậu quả xấu như khả năng bỏ học cao, chứng trầm cảm/tự tử, lạm dụng chất gây nghiện và bệnh tim mạch. 

“Hành vi đánh mắng trẻ sẽ không hề hỗ trợ bạn, và còn hình thành những tâm bệnh cho con bạn,” giáo sư Cluver phát biểu. “Vì vậy chúng ta đều cần đồng ý rằng phương pháp này không phải là liều thuốc chúng ta cần, và khi một thứ thuốc đề ra không có tác dụng, chúng ta cần tìm ra một phương án khác.”

Thay vì các hình phạt và quy định cấm, phương pháp xây dựng kỷ luật tích cực tập trung vào việc xây dựng cho phụ huynh một mối quan hệ lành mạnh với con mình, và phụ huynh có thể đặt ra những mong đợi của mình về hành vi của trẻ. Thật may mắn là phương pháp này đã được thử nghiệm hiệu quả, và bạn có thể áp dụng nó bằng những bước sau đây:

  1. Dành thời gian 1-1 với con 

Việc dành thời gian riêng với một ai đó luôn là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng bất kì một mối quan hệ nào, và điều này còn đúng hơn đối với trẻ em. “Có thể là 20 phút mỗi ngày, hoặc thậm chí là 5 phút. Bạn có thể kết hợp thời gian đó với một hoạt động mà hai người làm chung, ví dụ như rửa bát cùng nhau và cùng hát một bài hát, hoặc trò chuyện khi đang phơi quần áo. Điều quan trọng là bạn phải tập trung vào con mình. Tắt TV, tắt điện thoại, chỉ có bạn và đứa trẻ ở thời điểm đó thôi, và trong lúc ấy, cố gắng nhìn thế giới từ góc nhìn của đứa trẻ,” giáo sư Cluver khuyên. 

 2. Đưa ra lời khen hợp lý

Rất nhiều bố mẹ thường tập trung và những điểm không hoàn hảo trong hành vi của con mình để chỉ ra và bắt lỗi. Trẻ con có thể coi điều này là một cách để thu hút sự chú ý của bạn, và tiếp tục những hành vi xấu để bạn chú ý tới chúng thay vì thay đổi hành vi. 

Đứa trẻ nào cũng thích được khen, vì khi đó chúng cảm thấy mình đặc biệt và được yêu thương. “Hãy để ý khi con bạn làm một điều gì đó tốt và khen ngợi chúng, cho dù đó chỉ là một hành vi nhỏ, ví dụ như ngồi chơi với em trong vòng 5 phút. Lời khen đó sẽ cổ vũ hành vi tích cực cho đứa trẻ sau này, và vì thế bạn cũng ít khi phải đốc thúc kỷ luật với chúng hơn.”

3. Xây dựng những kì vọng rõ ràng

“Nói với trẻ thật rõ ràng những gì bạn muốn chúng làm thì hiệu quả hơn rất nhiều việc bảo chúng không được làm gì,” giáo sư Cluver khẳng định. “Khi bạn bảo một đứa trẻ không được làm nhà cửa bừa bộn, hoặc phải ngoan, chúng không thực sự hiểu được rằng mình cần phải làm gì. Thay vào đó, một mệnh lệnh rõ ràng có thể là: Con hãy nhặt hết tất cả đồ chơi và để chúng vào hộp. Mệnh lệnh này đặt ra một kì vọng rõ ràng, nên có khả năng cao hơn là đứa trẻ sẽ làm theo.”

“Tuy vậy, điều quan trọng là bạn phải đặt ra những kỳ vọng thực tế. Ví dụ như, đòi hỏi một đứa trẻ phải im lặng trong cả một ngày dài thì sẽ khó hơn rất nhiều so với việc chỉ im lặng trong 10 phút khi bạn phải nghe một cuộc điện thoại. Bạn là người phải hiểu con mình có thể làm gì. Nếu bạn đòi hỏi một điều bất khả thi với con mình, chắc chắn là chúng sẽ không thực hiện được.”

4. Đánh lạc hướng trẻ một cách linh hoạt

Khi đứa trẻ đang làm khó bạn, đánh lạc hướng chúng với một hoạt động tích cực có thể là một giải pháp hữu dụng. “Khi bạn làm chúng tập trung vào một điều khác bằng cách chuyển chủ đề cuộc hội thoại, giới thiệu một trò chơi mới, dẫn chúng vào một căn phòng khác, hoặc đưa chúng ra ngoài đi dạo, bạn có thể thành công trong việc đảo hướng năng lượng của trẻ và khiến chúng cư xử tốt hơn.”

Chọn thời điểm cũng rất quan trọng. Bạn nên quan sát và để ý khi nào thì một tình huống xấu có thể xảy ra, và hành động trước đó để ngăn lại điều đó. Hãy để ý khi nào con bạn đang lo lắng, khó chịu hay cáu bẳn, hoặc khi hai đứa trẻ đang cùng muốn chơi một thứ đồ chơi.

5. Đưa ra những quy tắc và thực hành chúng một cách bình tĩnh

Khi lớn lên, ai trong chúng ta cũng phải học rằng mỗi hành động của bản thân mình đều có một hệ quả hoặc kết quả đi kèm phía sau. Chúng ta nên dạy cho trẻ hiểu được điều này, dạy chúng cách có trách nhiệm với bản thân, và từ đó động viên chúng có những hành vi tích cực hơn. 

Hãy cho đứa trẻ cơ hội được làm điều tốt bằng cách đặt ra một quy tắc để xử lý một hành vi tiêu cực mà chúng đang làm. Ví dụ như nếu bạn muốn con mình ngừng vẽ lên tường nhà, bạn có thể nói rằng: Con phải dừng lại đi nhé, không thì sẽ không được chơi nữa đâu. Như vậy, chúng sẽ nhận được một lời cảnh báo và có cơ hội được thay đổi hành vi của mình. 

Nếu đứa trẻ không dừng lại, bạn phải kiềm chế cơn tức giận của mình và bình tĩnh thực hiện quy định mình đã đưa, là không cho đứa trẻ thời gian chơi nữa. “Và hãy vỗ vai khen mình, vì điều này không hề dễ để làm,” giáo sư Cluver nhấn mạnh. 

Nếu đứa trẻ dừng lại, hãy dành cho chúng nhiều lời khen. Như vậy, bạn sẽ tạo nên một thói quen nhận phản hồi tích cực cho trẻ. Việc thực hiện những quy tắc một cách bình tĩnh đã được chứng minh là có tác động tích cực với trẻ em, và giúp chúng hiểu được hậu quả của việc cư xử tồi tệ. 

Kiên định cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giáo dục con cái tích cực, vì thế bạn phải thực hiện nghiêm túc những quy tắc bạn đưa ra là. Ngoài ra, bạn cũng cần chắc chắn những quy tắc này là thực tiễn. “Bạn có thể tịch thu điện thoại của một đứa trẻ trong một giờ đồng hồ, nhưng nếu điều này diễn ra trong cả một tuần thì đây có thể là một hình phạt khó thực hiện.”


Đối với trẻ nhỏ

Hãy dành thời gian riêng với chúng – một khoảng thời gian vui vẻ và hoàn toàn miễn phí! “Bạn có thể bắt chước những biểu hiện của con, cùng gõ thìa lên xoong nồi, hoặc hát hò cùng nhau,” Cluver gợi ý. “Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc bố mẹ chơi đùa với con cái giúp cho não của trẻ phát triển hơn.”

Đối với trẻ lớn hơn

Giống như trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cũng muốn được khen và được bố mẹ coi là ngoan. Thời gian riêng với bố mẹ cũng rất quan trọng ở lứa tuổi này. “Chúng sẽ rất vui khi cùng bố mẹ nhảy múa trong phòng, hoặc trò chuyện về một ca sĩ mà chúng yêu thích. Đứa trẻ có thể không bộc lộ điều này, nhưng chúng trân trọng những khoảng thời gian đó. Đây là một cách rất tốt để xây dựng mối quan hệ với chúng,” bà Cluver nói. 

Ngoài việc xây dựng những kỳ vọng rõ ràng, bạn cũng có thể bảo trẻ gợi ý một vài quy tắc cho bản thân. Hãy thử ngồi xuống cùng con mình và cùng bàn luận về những việc nên làm và không nên làm trong nhà. Chúng có thể cùng bạn đặt ra các quy tắc về hậu quả cho những hành vi xấu. Việc được tham gia vào quá trình đặt quy tắc khiến cho trẻ cảm thấy mình đang dần trở nên độc lập.

Nguồn: unicef.org

Biên dịch: Ms. Summer